#5: Di cư của chim: Chữ V và 70.900km
Nhạn Bắc cực: Một năm tui thấy hai mùa hè, còn bạn thì sao?
Bạn có bao giờ để ý nhưng đàn chim rất lớn bay cùng nhau dù cho thực tế nhiều loài chim có xu hướng sống một mình? Hay bắt gặp hình ảnh của ngỗng trời dàn hàng thành hình chữ V? Tại sao chim không đi một mình mà lại cần bay theo đàn? Chúng ta sẽ trả lời cho câu hỏi này nha.
Tại sao lại là hình chữ V?
Khi tiến hành di cư, chim không đi đơn lẻ mà di chuyển thành đàn để tăng khả năng hỗ trợ. Một kiểu tổ chức bay thường gặp ở chim là dàn hình chữ V. Điều này giúp chúng tiết kiệm năng lượng khi bay.
Khi bay, chim sẽ nhận biết vị trí của những cá thể khác trong đàn và bay theo vị trí phù hợp nhất có thể. Những con chim bay sau sẽ bay cao hơn con trước nó một chút, từ đó giúp giảm sức cản của gió. Những cá thể chim ở trước đập cánh tạo ra dòng khí chuyển động nâng lên (upwash) giúp nâng những con chim ở sau lên. Những con chim ở sau không chỉ điều khiển vị trí bay mà còn có thể điều chỉnh nhịp đập cánh để phối hợp với dòng khí được tạo ra những con chim bay trước nó.
Đội hình của chim không duy trì cố định mà các con chim có thể đổi chỗ, chúng sẽ thay phiên nhau bay ở trước và lùi về sau khi chúng mệt. Nhờ cách này, đàn chim di cư (ví dụ như ngỗng trời) có thể bay một thời gian dài mà không cần dừng lại nghỉ ngơi. Ngoài ra, bay với đội hình chữ V còn cho phép chim tăng giao tiếp và phối hợp trong đàn.

Vậy khi nào chim sẽ tiến hành di cư?
Thông thường, chim sẽ di cư từ phía bắc tới phía nam để trú đông và quay trở về phương bắc vào mùa xuân hoặc hè để tiến hành sinh sản. Khá khó để xác định chính xác một ngày cụ thể. Tuy nhiên, với hành trình đi về nơi trú đông ở phía nam, chim thường bắt đầu di cư từ cuối hè-đầu thu (khoảng tháng 7 cho tới đầu tháng 10) để đảm bảo chúng tới đích trước mùa đông. Ngược lại, chúng sẽ bắt đầu di chuyển từ nơi trú đông đến nơi sinh sản từ cuối tháng 2 tới cuối tháng 5.
Về thời điểm di cư trong ngày, các loài chim có thể chọn bay vào ban ngày hoặc ban đêm, từ đó chia chúng thành nhóm chim di cư ban đêm và nhóm chim di cư ban ngày. Tuy nhiên, đối với hầu hết các loài chim, di cư vào ban đêm đem đến nhiều lợi ích hơn. Lợi ích của việc di cư ban đêm bao gồm: giảm áp lực từ các loài vật dữ như chim Ưng; không khí ban đêm ít hỗn loạn hơn ban ngày đồng thời nhiệt độ ban đêm cũng thấp hơn ban ngày. Đặc biệt, di cư vào ban đêm cho phép chim dành toàn bộ ban ngày để luân phiên kiếm ăn và nghỉ ngơi.
Khoảng cách di cư
Có một số loài tiến hành quãng đường di cư rất ngắn chỉ vài trăm đến vài ngàn km. Tuy nhiên, nhiều loài ở phía bắc có thể tiến hành quãng đường di cư vượt qua xích đạo đến phía nam.
Một ví dụ điển hình về di cư khoảng cách xa là nhạn Bắc cực. Chúng di cư giữa hai cực Bắc và Nam của Trái Đất. Loài này sinh sản quanh vòng cực nằm cận Bắc Cực và trú đông tại Nam Cực. Có thể nói, nhạn Bắc cực sẽ trải qua hai lần mùa hè trong một năm và là loài nhìn thấy mặt trời nhiều nhất trên Trái Đất.
Tuyến đường di cư của nhạn Bắc cực nằm phần lớn nằm ngoài khơi xa. Trung bình một năm nhạn Bắc cực bay khoảng 70.900 km, tối đa lên tới 81600 km. Vào mùa thu, cá thể chim ở phía đông Bắc Mỹ di cư qua Bắc Đại Tây Dương hướng về châu Âu và bắc châu Phi trước khi nam tiến về miền nam Australia, New Zealand và Nam Cực. Các loài chim ở phương Tây di cư về phía nam qua Thái Bình Dương đến Nam Cực.

Ngược lại, một số loài có khu vực sinh sản mùa hè trải rộng chỉ cần di chuyển một khoảng cách gần về phía nam để tiếp cận khu vực trú đông. Toàn bộ loài có thể tập trung ở một khu vực trú đông giới hạn và rồi khi thời tiết ấm hơn chúng sẽ quay trở lại phương bắc, phân tán và từ đó làm mở rộng khu vực sinh sản mùa hè.
Những loài di cư khoảng cách gần này thậm chí không cần cơ chế thời gian nghiêm ngặt mà chỉ đơn giản là đáp ứng với sự thay đổi thời tiết trong khu vực. Ví dụ như những loài sinh sản trên núi cao như Hoét nước họng trắng (Cinclus cinclus) có thể di chuyển từ xuống núi tránh lạnh khi nhiệt độ hạ thấp.
Thực tế, di cư là một quá trình nguy hiểm
Di cư cho phép chim có điều kiện sống tối ưu mọi thời gian trong năm nhưng quá trình này lại rất nguy hiểm. Trung bình 30% cá thể chim di cư không thể quay trở về sau khi di cư. Các loài di cư khoảng cách dài gặp nhiều rủi ro trong quá trình di cư hơn, nhưng bù lại khả năng sống sót trong mùa đông của chúng lại cao hơn. Một số yếu tố gây nguy hiểm đến hành trình di của của chim như: điều kiện thời tiết xấu, kiệt sức, thiếu lương thực khi di cư hoặc các ảnh hưởng gây ra bởi con người.
Điều kiện thời tiết xấu
Điều kiện thời tiết gây ảnh hưởng lớn đến chim di cư. Các loại thời tiết xấu như bão lớn, sương mù, bão cát hay mưa có thể khiến chim tử vong. Những loài chim có kích thước nhỏ cũng dễ bị tử vong bởi thời tiết hơn các loài chim lớn.
Điều kiện thời tiết không chỉ ảnh hưởng chuyến bay di cư, chim ở nơi sinh sản và trú đông cũng có thể bị chết nếu gặp thời tiết bất thường. Ở nơi sinh sản, những con chim non nhạy cảm và dễ bị tổn thương trước biến đổi thời tiết. Còn ở nơi trú đông, chim có thể tử vong nếu gặp điều kiện nhiệt độ hạ thấp bất thường.
Kiệt sức, thiếu thức ăn và vật dữ tại điểm dừng chân
Hành trình di cư kéo dài có thể khiến chim kiệt sức. Sự kiệt sức khiến chim ít cảnh giác hơn và cũng tăng va chạm với các chướng ngại vật hơn. Cùng với đó, thiếu thức ăn cũng là một nguyên nhân gây tử vong khi di cư. Những điểm dừng chân trên tuyến đường di cư là nơi cho phép chim kiếm ăn, nghỉ ngơi và tiếp năng lượng cho hành trình di cư. Khi những địa điểm này bị suy giảm do tác động của con người có thể làm tăng tỉ lệ tử vong ở chim di cư.
Ngoài ra, sự gia tăng số lượng vật dữ tại điểm dừng chân cũng làm gia tăng tỉ lệ tử vong. Các cá thể chim di cư không lường trước được sự nguy hiểm của các loài săn mồi tại điểm dừng chân và do đó dễ dàng bị bắt.
Ảnh hưởng của con người
Con người tạo ra tác động rất lớn lên sự di cư của chim. Sự săn bắt trái phép vào mùa di cư tạo ra sự đe dọa nghiêm trọng đến quần thể chim. Sự ô nhiễm, đô thị hóa và các công trình nhân tạo cũng gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực như làm giảm nguồn thức ăn của chim, ảnh hưởng đến sự điều hướng do ô nhiễm ánh sáng dẫn đến chim đi lạc hay va chạm với các tòa nhà cao tầng hay cánh đồng gió.
Không chỉ vậy, con người con tác động gây ra những tác động tiêu cực đến thiên nhiên như biến đổi khí hậu hay tàn phá rừng. Những quá trình này ảnh hưởng đến nhiều sinh vật trong đó có chim. Các khu vực kiếm ăn, điểm dừng chân thậm chí nơi sinh sản và trú đông bị tàn phá khiến chim gặp nhiều khó khăn để sinh tồn.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm, nhưng chim cũng có những chiến lược rất tài tình để giảm thiểu những nguy cơ này. Ví dụ như bằng cách thiết kế đường bay an toàn cho quá trình bay dài hay áp dụng các phương pháp định hướng cho phép chúng đến đích chính xác. Nghiên cứu về di cư của chim cho ta biết thêm nhiều thông tin sâu hơn về tập tính này ở chim, từ đó có thể sử dụng và bảo vệ chúng một cách hiệu quả.
Trong bài tiểu luận của mình còn hai phần cũng khá hay về điều hướng khi di cư và các mô hình di cư ở chim. Tuy nhiên do phần đó hơi khó hiểu nên mình sẽ dừng series này ở hai bài này thôi. Nếu ai muốn đọc thêm có thể để lại mail mình sẽ gửi toàn bộ bài nha. Bài này mang tính tổng hợp và dịch thuật nhiều hơn nhưng mình nghĩ đọc một chút về động vật học cũng thú vị ^^
Hẹn gặp lại mọi người vào ngày mai.
#WOTN6
Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net
Hồi trước em cũng có đọc mấy cái fact về việc tại sao chim di cư lại bay hình chữ V, mà đọc bài của c mới thấy còn nhiều kiến thức liên quan ghê =)) great research!!